Cuốn sách Bác Hồ với thiếu nhi do các ông Cao Minh, Nguyễn
Ðức Tước, Dương Văn Sợi tuyển chọn và NXB Thanh Niên ấn hành vào năm 2002 trích
đăng toàn bộ những bài viết Bác dạy thiếu niên, nhi đồng. Ðây là một di sản vô
cùng quý giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta. Thật bất ngờ và thú vị là,
trong một tuyển tập gồm 59 bài viết của Bác trong cuốn sách trên thì có đến 11
bức thư của Người viết cho các cháu thiếu niên, nhi đồng đúng vào dịp Tết Trung
thu.
Như chúng ta
còn nhớ, khi chúng ta vừa hoàn thành cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám
1945 thành công, ngày 2-9-1945, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày tháng đầy gian khổ, khó khăn và bộn
bề công việc đó, nhưng Bác vẫn luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng
những tình cảm hết sức quý giá. Ngày 17-9-1945, nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên
của Nước Việt Nam độc lập, Bác đã có liền hai bức thư "Tết Trung thu với
nền độc lập" gửi đến "Cùng các trẻ em yêu quý". Với tình cảm
tràn đầy yêu thương, Bác viết: "Hôm nay là Tết Trung thu. Mẹ đã sắm cho
các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa... Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ
lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở. Các em
vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Ðố các em biết vì
sao?...". Ðằng sau câu hỏi đó là cả một tấm lòng tràn đầy tình thương mến,
hy vọng và tin tưởng; là sự căn dặn ân cần và niềm mong mỏi các em học tập, vui
chơi, rèn luyện thành những người vừa có tài, vừa có đức, vừa có sức khỏe để
trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Bức thư thứ hai, ngoài
những tình cảm và sự căn dặn ân cần, Bác còn muốn gửi đến mọi người hai thông
điệp mà Bác từng theo đuổi nó suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, đó là
"Trẻ em Việt Nam sung sướng" và "Việt Nam độc lập muôn
năm". Không lâu sau Tết Trung thu độc lập đầu tiên đó, với dã tâm xâm lược
nước ta một lần nữa, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ; rồi cuộc kháng chiến toàn
quốc bùng nổ, Ðảng, Chính phủ và Bác Hồ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Nhân
dịp Tết Trung thu năm 1948, Bác viết trong thư: "Mặc dầu giặc Tây độc ác,
chúng quyết không thể ngăn trở trăng thu vừa đẹp, vừa tròn. Mặc dầu giặc Tây
hung tàn, chúng quyết không thể ngăn trở các cháu vui tươi và hăng hái. Mặc dầu
giặc Tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngăn trở chúng ta kháng chiến thắng
lợi, thống nhất và độc lập thành công". Tết Trung thu năm 1949, Bác lại có
thư gửi các cháu thiếu nhi. Bác khen ngợi "các cháu tiến bộ hơn năm
ngoái" cả "về mặt thi đua học hành" và "về mặt tham gia
kháng chiến"...
Ðặc biệt, có
những bức thư Trung thu được Bác mở đầu hay kết thúc bằng những câu thơ, hoặc
toàn bức thư là những vần thơ đầy xúc động với bao nỗi niềm yêu thương, ân cần,
chu đáo của một người ông hiền từ nhớ thương từng đứa cháu nhỏ. Ðó là "Thư
Trung thu gửi các cháu nhi đồng" (1951). Mở đầu bức thư Bác viết:
"Trung thu trăng sáng như gương, / Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.
/ Sau đây Bác viết mấy dòng, / Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung". Những
vần thơ như thế này của Bác đã đọng trong đáy lòng của bao thế hệ thiếu nhi từ
ngày đó tới nay. Cũng trong bức thư Trung thu năm 1951 này, Bác khuyên thiếu
nhi phải biết Yêu (yêu Tổ quốc, yêu đồng bào...); biết Ghét (ghét bọn người
"Vì chúng nó mà ta khổ"); biết Ðoàn kết (với thiếu nhi trong và ngoài
nước); biết Cố gắng (gắng học hành, giữ gìn vệ sinh, giúp đỡ thương binh và gia
đình chiến sĩ...) và biết Thi đua (tùy theo sức của mình); Thư Trung thu năm
1952, sau khi tỏ lời khen ngợi, động viên, căn dặn các cháu, Bác kết thúc bức
thư bằng những vần thơ mà sau này, những vần thơ đó đã trở thành lời ca bất hủ
cho bài hát truyền thống Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh: "Ai yêu
các nhi đồng / Bằng Bác Hồ Chí Minh? / Tính các cháu ngoan ngoãn, / Mặt các
cháu xinh xinh, / Mong các cháu cố gắng / Thi đua học và hành. / Tuổi nhỏ làm
việc nhỏ, / Tùy theo sức của mình: / Ðể tham gia kháng chiến, / Ðể gìn giữ hòa
bình. / Các cháu hãy xứng đáng: / Cháu Bác Hồ Chí Minh!". Tết Trung thu
năm 1953 là một trong những cái Tết Trung thu đầy dấu ấn đáng nhớ cho các cháu
thiếu nhi một thời và muôn thời. Ðó là cái Tết Trung thu Bác viết thư cho các
cháu toàn bằng thơ. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Nhị thì "... Bác là lãnh tụ
của Ðảng, của dân tộc, thế mà trong bài thơ, có thể nói, Bác nghiêm chỉnh báo cáo với các cháu nhi
đồng những đặc điểm nổi bật nhất của tình hình trong năm... Qua bài thơ, chúng
ta thấy tinh thần dân chủ của Bác rất sâu và thái độ quý trọng nâng niu, tình
thương của Bác đối với các cháu nhi đồng rất đẹp". Vâng, toàn bộ thư Trung
thu bằng thơ như sau: "9 Tết Trung Thu, /8 năm kháng chiến, / Các cháu
khôn lớn, / Bác rất vui lòng. / Thu này Bác gửi thơ chung, / Bác hôn các cháu
khắp vùng gần xa, / Thu này hơn những thu qua, /; Kháng chiến thắng lợi gấp ba,
bốn lần./ (...); Khắp nơi Nam ,
Bắc, Tây, Ðông, /; Ðưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay. / Các cháu vui thay! /
Bác cũng vui thay!/ Thu sau so với thu này vui hơn". Ðúng như lời tiên
đoán có tính chất khẳng định của Bác, Trung thu năm 1954 là "Trung thu hòa
bình đầu tiên, sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta.", nên
dường như ánh trăng trong thư Trung thu năm nay cũng thật êm ái như tấm lòng
hiền dịu của Bác: "Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc.
Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam". Và cũng
dường như thấu rõ ruột gan của tên sen đầm quốc tế, nên kết thúc thư Trung thu
năm 1954, Bác lại viết hai câu thơ đồng thời cũng là lời dự đoán: "Ðến
ngày Nam Bắc một nhà,/ Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng". Tết Trung thu
năm 1956 và 1957, Bác đều viết thư gửi thiếu nhi cả nước để "Thân ái chúc
các cháu: / Vui vẻ, mạnh khỏe,/ Ðoàn kết chặt chẽ. / Thi đua học hành, / Tiến
bộ mau lẹ". Và trong thư "Nói chuyện Trung thu với các em nhi
đồng" (1960), Bác muốn nhắc nhở các em thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu học
tập, lao động, biết thực hành tiết kiệm, biết giữ gìn đạo đức trong sạch để
hoàn thành tốt nghĩa vụ của một công dân trong giai đoạn của quá trình hội nhập
và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Khánh Yên ( Báo Nhân Dân)