Home » » Một số bài thơ chúc tết của Bác Hồ

Một số bài thơ chúc tết của Bác Hồ

Xuân Quý Tỵ 2013, chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác Hồ, song những vần thơ chúc Tết năm xưa - những vần thơ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sâu đậm mãi trong trái tim, khối óc mỗi người dân đất Việt. Cùng với thời gian, những sáng tạo tinh thần đó, những lời “tuyên truyền” đạt đến tầm nghệ thuật và khoa học ấy của vị Cha già dân tộc vẫn nặng lòng “chan chứa yêu thương”. Những vần thơ dung dị nhưng đầy nhân ái và triết lý ấy đã là “kim chỉ nam” cho hành động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trên con đường hành trình tới tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bản tình ca bất tử
Hơn 40 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta trở về với thế giới người hiền, mỗi độ xuân về, Tết đến, đồng bào và chiến sĩ cả nước, cùng cộng đồng những con dân đất Việt xa xứ không còn được lắng nghe những vần thơ chúc Tết của Người - những vần thơ “đúc kết những thắng lợi trong năm qua, đề ra những nhiệm vụ chiến lược của cả dân tộc trong năm mới, vừa mang sâu sắc cảm hứng lịch sử vừa chứa chất ý thơ” . Đi xa, “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần” nên 22 bài thơ chúc Tết được Người viết trong khoảng thời gian từ năm 1942-1969 thể hiện rõ khát vọng lớn lao “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… của Hồ Chí Minh vẫn luôn là món quà tinh thần vô giá đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước trong thời khắc thiêng liêng đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là nhà thơ,  nhưng chính thơ đã là một phần của cuộc đời Người. Thơ Hồ Chí Minh, đặc biệt là những bài thơ chúc Tết, mừng Xuân giản dị, cô đọng, rất đỗi thân thương không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ, mà còn là những chỉ dẫn kịp thời cho hành trình tiếp theo của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tư tưởng đó xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo cho những vần thơ đón xuân mới của người Cha già dân tộc. Những vần thơ đơn sơ, bình dị, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ cảm của những lời “thành thật nôm na” rất Nghệ An ấy là sự kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và đậm chất dân gian trong thi pháp thơ nói riêng, chan chứa ý thơ, chan chứa tấm lòng sâu nặng của một người luôn tận tâm, tận lực với dân, với nước.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.
Đó là bài thơ Xuân 68 của Bác- Bài thơ được coi là đỉnh cao của hiệu triệu đồng bào cả nước về mặt tinh thần vùng dậy cầm súng đánh Mỹ giải phóng nước nhà. Sau lời chúc Tết đêm giao thừa ấy, chiến công vang dội, nối tiếp truyền thống tiến công và đánh giặc của anh hùng Quang Trung trước đây. 20 ngày sau, đêm 20 rạng ngày 21/01/1968, mặt trận Khe Sanh nổ súng, giặc Mỹ hốt hoảng. Tướng Oét-Mô-Len vội vã tăng cường lực lượng chống giữ. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dự đoán có thể có “Một cái gì giống như Điện Biên Phủ”. Đòn nghi binh Khe Sanh, đòn chính của quân chủ lực ta nổ súng 10 ngày trước Tết Mậu Thân tạo thế bất ngờ, nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận, vây hãm, giam chân chúng, tạo điều kiện cho các chiến trường miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Đúng đêm giao thừa và đêm Mồng 1 Tết Mậu Thân (30 và 31/01/1968) miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy, một đòn thật mạnh, thật hiểm, thật bất ngờ và đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ ngụy ở các đô thị. Trong đó có những trận gây chấn động lớn như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh độc lập ngụy, Bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Sài Gòn cùng với 34/44 tỉnh lị, 5/6 thành phố lớn, 64/242 huyện lị của Mỹ ngụy đồng loạt bị tiến công. Đồng thời nhân dân nông thôn cũng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như một đòn sấm sét làm choáng váng trùm xâm lược Mỹ và chấn động toàn cầu. Tướng Oét bị cách chức. Bộ trưởng quốc phòng Mác-Na-Ma-Ra từ chức. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc, nhận đàm phán với ta tại hội nghị Pa-ri và không ra tranh cử tổng thống nhiệm kì 2 nữa. Dân chúng Mỹ càng bất mãn với chính phủ về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68 đã tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta và khởi đầu quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ, từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bài thơ Xuân 68 phản ánh hiện thực ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ qua cuộc tổng tiến công nổi dậy đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Bác Hồ đặc biệt vui mừng nên chưa xuân nào Bác làm nhiều thơ bằng Xuân 68. Bên cạnh bài thơ “Mừng Xuân 68” còn có bài “Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế” (03/1968) có câu: “Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Và dù “Đã lâu chưa làm bài thơ nào” nhưng có tin thắng trận là Bác vui làm bài thơ “Không đề” (03/1968) có câu “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”.
Đã hơn 40 năm trôi qua, Xuân 68 đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những vần thơ của Bác về mùa xuân thắng trận ấy vẫn lấp lánh hơi thở mùa xuân, nó như một đòn bẩy động lực tinh thần to lớn, thúc dục hiệu triệu trái tim đồng bào cả nước vừa vui chiến thắng, vừa vững chắc tay súng bảo vệ nước nhà. Cho đến nay, những vần thơ của Bác về Xuân 68 vẫn vang vọng khắp non sông. Và dù thời gian có dài bao nhiêu, đất nước có thay đổi phồn vinh thế nào thì những vần thơ thép ấy vẫn trường tồn và sống mãi với thời gian như một bản tình ca bất tử.
Chất thép và chất tình
Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “đường dẫn” ánh sáng cách mạng cho dân tộc tiếp bước, mà còn là tiếng lòng của một người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân tộc. Những vần thơ đó không chỉ phản chiếu thực tiễn lịch sử của dân tộc, đậm đà chất thép như ánh lửa thức tỉnh tâm hồn, mà còn bình dị, gần gũi với tiếng nói của quần chúng nhân dân, như ngọn gió xuân ấm áp, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước con đường đi tới hạnh phúc và tự do. Bởi những vần thơ ấy vừa có chất thép vừa có chất tình, vừa có tinh thần nhân ái bao dung.
Xuân về xin có một bài ca
Gửi tới đồng bào cả nước ta
Đánh Mỹ hai miền đều thắng lợi
Tin mừng thắng trận nở như hoa
Vivenxiô Hôxê khi viết về thơ Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đó là những bài thơ “ngắn gọn, tỉnh táo và trong sáng, hoàn toàn cổ điển nhưng biểu lộ những tình cảm và những ý nghĩ của một chiến sĩ ở tuyến đầu của thời đại chúng ta”. Những vần thơ phong phú về tình cảm và sự nhạy cảm sôi nổi được biểu hiện bởi tài năng nghệ thuật huyền diệu, theo sự chỉ đường của trí thông minh rất Hồ Chí Minh, chính là tiếng lòng của “một ánh sáng sinh ra từ khổ đau như vậy làm thức tỉnh lý trí và con tim”. Luôn là con người hành động và là nhà thơ, hơn bao giờ hết, Hồ Chí Minh “làm thơ đâu chỉ vì tết, đâu chỉ vì thơ. Mà những điều lớn hơn thơ và tết nữa. Đấy là vì lòng tôn trọng các truyền thống tốt đẹp của nhân dân và để kêu gọi nhân dân đi lên con đường cách mạng” 
Với mục tiêu “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, mùa xuân năm 1930, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1941, Người đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Gửi vào bài thơ Mừng xuân năm 1942 (đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/01/1942) khát vọng của mình và với tất cả nhuệ khí, sự bền bỉ không mệt mỏi của “Người dẫn đường”, Hồ Chí Minh đã lạc quan cổ vũ, động viên nhân dân niềm tin vào sự thành công của phong trào cách mạng thế giới và ký thác niềm tin về một ngày mai tươi sáng của cách mạng Việt Nam khi viết:
 Năm này là năm Tết vẻ vang
Cách mạng thành công khắp thế giới
 Cách mạng tháng Tám 1945 đã thành công, nhưng dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã buộc cả dân tộc một lần nữa phải bước vào cuộc kháng chiến thần thánh với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của Người. Cũng lại vẫn là Người - Hồ Chí Minh một lần nữa với sự mẫn cảm chính trị đã truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước niềm hy vọng, niềm tin thắng lợi trong những vần thơ chúc Tết năm 1946:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy
Kháng chiến dù rất gian khổ, song mỗi người dân Việt Nam yêu nước và những người yêu chộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới vẫn nhận thấy: Đằng sau vẻ dịu dàng của Hồ Chí Minh là một ý chí sắt thép; dưới bề ngoài giản dị của một Người là một tinh thần quật khởi, anh hùng, không gì uy hiếp nổi, và hiển hiện trong một con người mảnh khảnh ấy là hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết và sự giải phóng hoàn toàn cho con người, vì con người. Điều đó thể hiện rõ trong lời hiệu triệu đầy chất hùng văn chiến thắng trong bài thơ chúc Tết năm 1947 của Người. Đây là Tết kháng chiến, Tết của lời kêu gọi:
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
 Đó chính là lời thúc giục lòng ta, khẳng định nội lực và nguồn sức mạnh đồng tâm, đồng chí, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước họa ngoại xâm. Và gian khổ, thử thách của chiến tranh dường như lùi lại phía sau, khi cuồn cuộn chảy trong trái tim một Hồ Chí Minh yêu nước và thương dân là nét giản dị của ngôn từ và sự cô đúc tư tưởng được biểu đạt thành phương châm, thành khẩu lệnh trong những lời thơ tiếp theo thật giục giã và đầy sức mạnh cổ vũ:
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!.
Và mạch nguồn ấy, nguồn cảm hứng lãng mạn ấy, sự kết hợp giữa quyết tâm sắt đá và sự tiên tri của bậc thánh nhân Hồ Chí Minh hòa quyện với tâm hồn thơ của Nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh đã đưa cả dân tộc vượt mọi gian khó, từng bước giành thắng lợi trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, vững vàng bước vào mùa xuân Quý Tỵ năm 1953:
Mừng phát động nông dân
Mừng hậu phương phấn khởi
Mừng tiền tuyến toàn quân
Mừng thi đua chiến thắng mới
Và tiếp đó, hướng đến xuân năm 1954 Bác viết:
 Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
Hoà bình, dân chủ Nam Bắc Tây Đông
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều
Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh dù được Người viết trong thời điểm lịch sử nào cũng đem đến cho ta ấn tượng của sức mạnh đoàn kết muôn người như một và sự dịu dàng “của trong và thật - sáng hai bờ suy tưởng. Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Từ những lời thơ chúc Tết ấy có thể thấy nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh và người nghệ sĩ đã hoà hợp với nhau trong một chất thép, xuyên suốt và nhất quán. Điểm đặc biệt trong toàn bộ 22 bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh, trải dài từ năm 1942 - 1969 chính là “ngôn ngữ trong thơ đạt đến sự chắt lọc của những phương châm lớn nhưng không bị mài mòn về câu chữ, ngôn từ, như những tín điều với nhiều sáo ngữ. Tuy vẫn là cách nói gần gũi tự nhiên của cuộc đời, gần với lời nói thông thường nhưng cô đúc như phương châm”. Bởi vậy, khi đế quốc Mỹ kiên quyết phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh đã dành những “lời thân ái” chúc “miền Bắc thi đua xây dựng, miền Nam giữ vững thành đồng” kiên định, bền gan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhân dịp đón xuân Bính Thân năm 1956.
Mùa xuân năm 1960 - Xuân Canh Tý, mừng Đảng ta tròn 30 tuổi, mừng Nhà nước ta “15 xuân xanh”, giản dị và hàm súc, tấm lòng, sự cởi mở, chân tình đầy sảng khoái của tâm hồn thi sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thể hiện rõ qua lời thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Trong những năm sau đó, thơ chúc Tết, mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam Bắc vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, với một niềm tin tất thắng: Bắc Nam sum họp một nhà. Hồ Chí Minh không chỉ chúc: “Mừng năm mới, mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, mừng thế giới” (1961), mừng “cả năm châu phơi phới cờ hồng” (1962) hướng đến “hoà bình thống nhất thành công”, “chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi”, “hoà bình thống nhất quyết thành công”. Mùa xuân năm Quý Mão 1963 - Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, khi tin vui từ khắp chiến trường miền Nam và trên công trường xây dựng miền Bắc XHCN đang làm ấm lòng và cổ vũ quân dân hai miền Nam Bắc tiến lên phía trước với một tinh thần mới, cố gắng mới, bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào và chiến sĩ dù ngắn gọn có 4 câu, 17 chữ, nhưng súc tích bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa:
Mừng năm mới 
Cố gắng mới 
Tiến bộ mới 
Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi.
Đồng lòng vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tinh thần ”cố gắng mới, tiến bộ mới” (Thơ chúc Tết năm 1963), “thi đua sôi nổi”, “đấu tranh anh dũng” (Thơ chúc Tết năm 1965), “đoàn kết một lòng” (Thơ chúc Tết năm 1966). Theo lời kêu gọi và cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hậu phương miền Bắc đã gồng mình, cố gắng vượt bậc hoàn thành nhiệm vụ củng cố, bảo vệ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Dù gian khó và phải hy sinh cả máu xương, quân dân miền Bắc đã sống, chiến đấu, lao động… và thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, nhằm đảm bảo chi viện tối đa nhân tài, vật lực cho quân, dân miền Nam đánh thắng kẻ thù. Xuân Đinh Mùi năm 1967, trong niềm vui chiến thắng của quân dân hai miền Nam Bắc, lời thơ chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh reo vui một bài ca chiến đấu và chiến thắng: 
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa
Mùa xuân 1968, từ thực tiễn hào hùng của những chiến công vang dội trên khắp các chiến trường miền Nam và của công trường xây dựng CNXH ở miền Bắc, chúc Tết xuân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đến quân, dân hai miền Nam Bắc tinh thần và sức mạnh của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, của tinh thần và ý chí tiến công kẻ thù. Vẫn rất ngắn gọn, dễ hiểu, vẫn là những dự cảm thiên tài về tính tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta
                Thơ chúc Tết xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài ca chiến thắng hào hùng. Không chỉ thôi thúc, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, những vần thơ ấy còn là tấm lòng, tình cảm và sự khát khao tin chiến thắng ở quê nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó Người đang nghỉ chữa bệnh ở Trung Quốc).
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bài thơ chúc Tết, mừng Xuân cuối cùng:
 Năm qua thắng lợi vẻ vang
 Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!.
Có thể nói, bài Mừng xuân 1969 là một trong số những bài thơ hay nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về tinh thần tiến công và niềm vui chiến thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những vần thơ hào sảng ấy, thể hiện khát vọng, tinh thần, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin “Bắc Nam sum họp một nhà” của Người, của toàn dân tộc đã trở thành khẩu lệnh tiến công, giục giã quân, dân ta tiến đến thắng lợi cuối cùng… Sáu mùa xuân sau bài thơ Mừng xuân 1969 ấy, cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã mang lại niềm vui chiến thắng cho toàn dân tộc. Niềm tin yêu và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc hàm chứa trong 22 bài thơ chúc Tết, mừng Xuân của Người đã trở thành hiện thực.
Đón Xuân Quý Tỵ 2013, chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết, mừng Xuân của Người, song những vần thơ chúc Tết năm xưa - những vần thơ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sâu đậm mãi trong trái tim, khối óc mỗi người dân đất Việt. Cùng với thời gian, những sáng tạo tinh thần đó, những lời “tuyên truyền” đạt đến tầm nghệ thuật và khoa học ấy của vị Cha già dân tộc vẫn nặng lòng “chan chứa yêu thương” và “dẫn đường” cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trong hành trình đi đến tương lai. Dùng thơ chúc Tết để biểu đạt lòng mình, nói như GS.Hoàng Như Mai thì trong những vần thơ ấy, lời chúc ấy của Người, “chúng ta thấy cả tấm lòng của lãnh tụ đối với dân, với nước”. 22 bài thơ ấy chính là “ quà tặng của Bác cho nhân dân mỗi khi xuân về, xuân sau hơn xuân trước và cứ như vậy mãi mãi về sau”, tuyên truyền, khích lệ, cổ vũ quân, dân đoàn kết, thi đua, tiến lên giành những thắng lợi mới.
Nhà phê bình Hoài Thanh đã nói, ”non một phần tư thế kỷ, một thế kỷ già trẻ, gái trai chúng ta được nuôi dưỡng bằng thơ Bác, bằng ánh sáng và yêu thương” và không dừng ở đó, trong hành trình đi tới tương lai tươi sáng, mùa xuân này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị với tinh thần, ý chí và quyết tâm mới. Người đã đi xa, nhưng Người vẫn rất gần. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dường như được tiếp thêm sức mạnh từ chính những vần thơ chúc Tết của Người – những vần thơ phản ánh “tinh thần đồng tâm nhất trí giữa lãnh tụ và quần chúng cách mạng trên mỗi bước đi của thời gian, của lịch sử dân tộc”. Đồng hành cùng dân tộc và thời đại, tầm tư tưởng vĩ đại và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh hàm chứa trong những lời thơ chúc Tết, mừng Xuân của Hồ Chí Minh từ năm 1942-1969 luôn là sức mạnh nội lực, là ánh sáng của tương lai, chỉ đường cho dân tộc ta, non sông đất nước ta kiên định, vững bước trên hành trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
Nguồn: tuyengiao.soctrang.gov.vn