Tạ Quang Thắng - từ 'Đi học' tới 'Lá cờ'

TP - Tạ Quang Thắng cách đây 6 năm làm nên cơn sốt nho nhỏ với 'Bèo dạt mây trôi' và 'Đi học' - hát cùng Anh Khang. Sau đó, Thắng hầu như im hơi, chỉ xuất hiện trở lại cuối 2009 khi đã tốt nghiệp khoa Thanh nhạc - Học viện Quốc gia Việt Nam và mới đây tỏa sáng trên sân khấu Bài hát Việt với 'Lá cờ'.
 Tạ Quang Thắng hát “Lá cờ” trên sân khấu Bài hát Việt  Ảnh: Phan Anh
Tạ Quang Thắng hát “Lá cờ” trên sân khấu Bài hát Việt - Ảnh: Phan Anh.
Từng gây chú ý bằng cách làm mới dân ca, dường như giờ đây Quang Thắng trở thành người viết nhạc đỏ bằng phong cách mới. Về Lá cờ , anh lý giải: “Mọi người cứ bảo viết bài hát tuyên truyền tầm vóc này nọ nhưng khi viết, tôi chỉ kể câu chuyện mà bố mẹ kể cho mình”.
Anh nói tiếp: “Tôi lồng cảm xúc, niềm tự hào của mình vào, khi bố mẹ mình anh hùng, đảm đang như thế. Mình cũng gặp những khó khăn trong cuộc sống nhưng nghĩ thời các cụ khổ thế vẫn làm được thì lại vững bước”.
Cùng với Lá cờ, các sáng tác về những vấn đề xã hội đang được Thắng tập hợp trong album đầu tay phát hành năm nay. Năm lớp 10, Thắng viết Hoa hồng, cảm hứng lấy từ phim Hàn Quốc. “Giờ thì khác,” Thắng khẳng định. “Phải tự mình gặp gì viết nấy”. Thắng thường viết nhạc và lời cùng một lúc, bằng tiếng Anh. Sau khi có giai điệu hoàn chỉnh, mới làm lời Việt. Làm vậy để tránh dấu trong tiếng Việt ảnh hưởng đến giai điệu.
Dù xác định sẽ theo phong cách country-rock, Thắng vẫn không giấu được cách hát mùi mẫn đậm chất R&B. Anh lý giải: “Bố mẹ tôi làm nghệ thuật dân tộc, thành ra luyến láy chèo, tuồng ăn vào tôi từ bé. Lớn lên, bắt đầu nghe nhạc nước ngoài là bập ngay vào R&B nên bây giờ hát country - rock vẫn còn gợn tí luyến láy”.
Sinh ra trong cái nôi truyền thống, nhưng Thắng không thích viết kiểu dân gian đương đại “Xu hướng dân gian đương đại rất hay, nhưng quan trọng tôi thấy nhạc các cụ hay hơn. Nên một là làm hẳn nhạc các cụ, hai là làm nhạc của mình. Tôi thích hát bài của các cụ nhưng theo hơi hướng của bây giờ, hơn là viết bài bắt chước các cụ nhưng lại không ra”.
"Khi anh lên sân khấu, nếu anh hát hay, người ta sẽ nghe anh là chính. Nếu anh hát không hay, người ta sẽ nhìn anh là chính" 
Thắng có cách riêng để tri ân các cụ. Anh hé lộ, khi nào nổi tiếng hơn nữa sẽ quay lại chơi nhạc các cụ theo cách của mình. Thực ra, Thắng đã thí điểm thành công với Bèo dạt mây trôi. Và có thể, nói chính nhờ nhạc các cụ mà mọi người chú ý đến anh buổi ban đầu.
Thắng nói: “Bây giờ tôi muốn làm nhạc hiện đại nhưng khi có một chỗ đứng nào đấy, tôi sẽ kết hợp với những học trò của bố tôi”. Bố Thắng là đạo diễn sân khấu Tạ Tạo, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương. Ông mất khi Thắng mới học lớp 6.
Thắng cao khoảng mét tám, nặng 80 cân. Một số người nhận xét, trông anh như võ sĩ, vận động viên, thậm chí như giang hồ, đầu gấu (!). Thắng chẳng lấy làm phiền vì bề ngoài có vẻ không nghệ sĩ. “Khi anh lên sân khấu, nếu anh hát hay, người ta sẽ nghe anh là chính. Nếu anh hát không hay, người ta sẽ nhìn anh là chính”, Thắng tâm sự.
Tại Sao Mai Điểm hẹn 2010, bị loại sớm nhưng Thắng gây chú ý không chỉ vì chọn bàiTiếng hát giữa rừng Pắc Bó, mà còn vì mang cả ban nhạc đến dự thi. Ngoài ghi-ta, Thắng chơi được piano và kèn trôm-pet. Rồi cũng chính ê-kip đó, Thắng mang sang Bài hát Việt, có giải ngay.
Trong ba giải tại Bài hát Việt, Thắng hãnh diện nhất với giải của Hội Nhạc sĩ. “Một người trẻ như tôi được các chú, bác đánh giá thế, tôi thấy tự hào, thấy mình còn phải cố gắng nữa. Chứ còn giải Thể nghiệm Sáng tạo cũng bình thường.
Bởi có phải mình làm nhạc chỉ để được giải Bài hát Việt đâu. Nhạc là việc cả đời”. Dù sao, sau Bài hát Việt, nhiều người biết đến Tạ Quang Thắng trong vai trò nhạc sĩ (?). “Không thể gọi là nhạc sĩ, trừ phi tôi viết được khí nhạc”, Thắng nói.
Nguồn: tienphong.vn
Một số bài hát của Tạ Quang Thắng:

"Khúc hát đồng lòng" của hơn 1.000 nghệ sỹ, thanh niên


    Ngày 26/3, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và kênh Yeah1 TV ra mắt clip "Khúc hát đồng lòng" phiên bản đặc biệt với sự tham gia biểu diễn của gần 80 ca sỹ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng và hơn 900 thanh niên tình nguyện. Đây là món quà ý nghĩa của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gửi đến tất cả các bạn đoàn viên, thanh niên cả nước nhân ngày thành lập Đoàn 26/3.
    Ca khúc này được đưa lên mạng Internet và được phát trên sóng của các kênh truyền hình, truyền thanh  trong cả nước vào đúng ngày 26/3/2013.
    “Khúc hát đồng lòng” là một sáng tác mới của rapper trẻ tuổi Nguyễn Hùng. Đây thực sự là một làn gió mới, trẻ trung, gần gũi và bắt kịp với nhịp điệu và hơi thở cũng như tính cách của thế hệ trẻ hiện đại. Vẫn mang dáng dấp của một ca khúc cổ vũ tinh thần cho người trẻ xung kích trên mọi mặt trận tình nguyện, phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng bài hát được viết trên một giai điệu tươi vui, rộn ràng và đặc biệt có đoạn rap cực kì sáng tạo và dễ thương.
     Các nghệ sỹ, đoàn viên tham gia MV "Khúc hát đồng lòng" (ảnh: TƯ Đoàn cung cấp)
    Chính vì thế, ngay từ khi ra đời, ca khúc này với bản MV có sự tham gia của Nguyễn Hùng, Tạ Quang Thắng và Thu Thủy đã lan truyền trên cộng đồng mạng với tốc độ chóng mắt.  Dễ thương, vui vẻ, thích thú, phấn khích … là những nhận xét của rất nhiều bạn trẻ về ca khúc này. Đi cùng cảm giác say sưa ấy là những tình cảm dành cho Đoàn, Hội và màu áo xanh tình nguyện được nhân lên gấp bội.
    Theo TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khi được mời tham gia dự án, các nghệ sỹ đều rất hào hứng và vui vẻ đồng ý, nhiệt tình hưởng ứng. Sự có mặt của các nghệ sỹ với tầm ảnh hướng lớn trong công chúng đã có những tác động tích cực tới sự lan tỏa và quảng bá hình ảnh cho những thông điệp tốt đẹp ẩn chứa trong bài hát.

    Các ca sĩ Lam Trường, nhóm 5 Dòng Kẻ, nhóm MTV, ca sĩ Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, người mẫu Dương Yến Ngọc… cho đến những thế hệ ca sỹ trẻ Nam Cường, Bùi Anh Tuấn, Thanh Duy, Khổng Tú Quỳnh, V.music, La Thăng, Đồng Lan… đều không quản ngại thời tiết nắng nực trong suốt 3 ngày để đồng lòng thực hiện một MV thể hiện sức mạnh của thanh niên Việt Nam xung kích, năng động, hội nhập quốc tế và vẫn mang đậm niềm tự hào về truyền thống cha anh.

    Đặc biệt, trong MV Khúc hát đồng lòng phiên bản đặc biệt này, tất cả các nghệ sĩ nổi tiếng đều không nhận cát –sê và đều không đứng tên riêng. Tất cả đều mang chung một cái tên: Thanh niên Việt Nam, hát chung một Khúc hát đồng lòng.

    Một điều đáng chú ý nữa là khi Trung ương Đoàn và Yeah1 phát động dự án này thì chỉ trong vòng 3 ngày, có gần 1000 bạn trẻ đã đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy các bạn trẻ 8X, 9X không bao giờ thờ ơ với các hoạt động Đoàn, Hội./.

    Điều lệ Đoàn khóa X

    Một số bài thơ chúc tết của Bác Hồ

    Xuân Quý Tỵ 2013, chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác Hồ, song những vần thơ chúc Tết năm xưa - những vần thơ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sâu đậm mãi trong trái tim, khối óc mỗi người dân đất Việt. Cùng với thời gian, những sáng tạo tinh thần đó, những lời “tuyên truyền” đạt đến tầm nghệ thuật và khoa học ấy của vị Cha già dân tộc vẫn nặng lòng “chan chứa yêu thương”. Những vần thơ dung dị nhưng đầy nhân ái và triết lý ấy đã là “kim chỉ nam” cho hành động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trên con đường hành trình tới tương lai tươi sáng của dân tộc.

    Bản tình ca bất tử
    Hơn 40 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta trở về với thế giới người hiền, mỗi độ xuân về, Tết đến, đồng bào và chiến sĩ cả nước, cùng cộng đồng những con dân đất Việt xa xứ không còn được lắng nghe những vần thơ chúc Tết của Người - những vần thơ “đúc kết những thắng lợi trong năm qua, đề ra những nhiệm vụ chiến lược của cả dân tộc trong năm mới, vừa mang sâu sắc cảm hứng lịch sử vừa chứa chất ý thơ” . Đi xa, “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần” nên 22 bài thơ chúc Tết được Người viết trong khoảng thời gian từ năm 1942-1969 thể hiện rõ khát vọng lớn lao “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… của Hồ Chí Minh vẫn luôn là món quà tinh thần vô giá đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước trong thời khắc thiêng liêng đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là nhà thơ,  nhưng chính thơ đã là một phần của cuộc đời Người. Thơ Hồ Chí Minh, đặc biệt là những bài thơ chúc Tết, mừng Xuân giản dị, cô đọng, rất đỗi thân thương không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ, mà còn là những chỉ dẫn kịp thời cho hành trình tiếp theo của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tư tưởng đó xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo cho những vần thơ đón xuân mới của người Cha già dân tộc. Những vần thơ đơn sơ, bình dị, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ cảm của những lời “thành thật nôm na” rất Nghệ An ấy là sự kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và đậm chất dân gian trong thi pháp thơ nói riêng, chan chứa ý thơ, chan chứa tấm lòng sâu nặng của một người luôn tận tâm, tận lực với dân, với nước.
    Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
    Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.
    Đó là bài thơ Xuân 68 của Bác- Bài thơ được coi là đỉnh cao của hiệu triệu đồng bào cả nước về mặt tinh thần vùng dậy cầm súng đánh Mỹ giải phóng nước nhà. Sau lời chúc Tết đêm giao thừa ấy, chiến công vang dội, nối tiếp truyền thống tiến công và đánh giặc của anh hùng Quang Trung trước đây. 20 ngày sau, đêm 20 rạng ngày 21/01/1968, mặt trận Khe Sanh nổ súng, giặc Mỹ hốt hoảng. Tướng Oét-Mô-Len vội vã tăng cường lực lượng chống giữ. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dự đoán có thể có “Một cái gì giống như Điện Biên Phủ”. Đòn nghi binh Khe Sanh, đòn chính của quân chủ lực ta nổ súng 10 ngày trước Tết Mậu Thân tạo thế bất ngờ, nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận, vây hãm, giam chân chúng, tạo điều kiện cho các chiến trường miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Đúng đêm giao thừa và đêm Mồng 1 Tết Mậu Thân (30 và 31/01/1968) miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy, một đòn thật mạnh, thật hiểm, thật bất ngờ và đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ ngụy ở các đô thị. Trong đó có những trận gây chấn động lớn như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh độc lập ngụy, Bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Sài Gòn cùng với 34/44 tỉnh lị, 5/6 thành phố lớn, 64/242 huyện lị của Mỹ ngụy đồng loạt bị tiến công. Đồng thời nhân dân nông thôn cũng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như một đòn sấm sét làm choáng váng trùm xâm lược Mỹ và chấn động toàn cầu. Tướng Oét bị cách chức. Bộ trưởng quốc phòng Mác-Na-Ma-Ra từ chức. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc, nhận đàm phán với ta tại hội nghị Pa-ri và không ra tranh cử tổng thống nhiệm kì 2 nữa. Dân chúng Mỹ càng bất mãn với chính phủ về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68 đã tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta và khởi đầu quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ, từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bài thơ Xuân 68 phản ánh hiện thực ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ qua cuộc tổng tiến công nổi dậy đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Bác Hồ đặc biệt vui mừng nên chưa xuân nào Bác làm nhiều thơ bằng Xuân 68. Bên cạnh bài thơ “Mừng Xuân 68” còn có bài “Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế” (03/1968) có câu: “Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Và dù “Đã lâu chưa làm bài thơ nào” nhưng có tin thắng trận là Bác vui làm bài thơ “Không đề” (03/1968) có câu “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”.
    Đã hơn 40 năm trôi qua, Xuân 68 đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những vần thơ của Bác về mùa xuân thắng trận ấy vẫn lấp lánh hơi thở mùa xuân, nó như một đòn bẩy động lực tinh thần to lớn, thúc dục hiệu triệu trái tim đồng bào cả nước vừa vui chiến thắng, vừa vững chắc tay súng bảo vệ nước nhà. Cho đến nay, những vần thơ của Bác về Xuân 68 vẫn vang vọng khắp non sông. Và dù thời gian có dài bao nhiêu, đất nước có thay đổi phồn vinh thế nào thì những vần thơ thép ấy vẫn trường tồn và sống mãi với thời gian như một bản tình ca bất tử.
    Chất thép và chất tình
    Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “đường dẫn” ánh sáng cách mạng cho dân tộc tiếp bước, mà còn là tiếng lòng của một người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân tộc. Những vần thơ đó không chỉ phản chiếu thực tiễn lịch sử của dân tộc, đậm đà chất thép như ánh lửa thức tỉnh tâm hồn, mà còn bình dị, gần gũi với tiếng nói của quần chúng nhân dân, như ngọn gió xuân ấm áp, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước con đường đi tới hạnh phúc và tự do. Bởi những vần thơ ấy vừa có chất thép vừa có chất tình, vừa có tinh thần nhân ái bao dung.
    Xuân về xin có một bài ca
    Gửi tới đồng bào cả nước ta
    Đánh Mỹ hai miền đều thắng lợi
    Tin mừng thắng trận nở như hoa
    Vivenxiô Hôxê khi viết về thơ Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đó là những bài thơ “ngắn gọn, tỉnh táo và trong sáng, hoàn toàn cổ điển nhưng biểu lộ những tình cảm và những ý nghĩ của một chiến sĩ ở tuyến đầu của thời đại chúng ta”. Những vần thơ phong phú về tình cảm và sự nhạy cảm sôi nổi được biểu hiện bởi tài năng nghệ thuật huyền diệu, theo sự chỉ đường của trí thông minh rất Hồ Chí Minh, chính là tiếng lòng của “một ánh sáng sinh ra từ khổ đau như vậy làm thức tỉnh lý trí và con tim”. Luôn là con người hành động và là nhà thơ, hơn bao giờ hết, Hồ Chí Minh “làm thơ đâu chỉ vì tết, đâu chỉ vì thơ. Mà những điều lớn hơn thơ và tết nữa. Đấy là vì lòng tôn trọng các truyền thống tốt đẹp của nhân dân và để kêu gọi nhân dân đi lên con đường cách mạng” 
    Với mục tiêu “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, mùa xuân năm 1930, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1941, Người đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Gửi vào bài thơ Mừng xuân năm 1942 (đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/01/1942) khát vọng của mình và với tất cả nhuệ khí, sự bền bỉ không mệt mỏi của “Người dẫn đường”, Hồ Chí Minh đã lạc quan cổ vũ, động viên nhân dân niềm tin vào sự thành công của phong trào cách mạng thế giới và ký thác niềm tin về một ngày mai tươi sáng của cách mạng Việt Nam khi viết:
     Năm này là năm Tết vẻ vang
    Cách mạng thành công khắp thế giới
     Cách mạng tháng Tám 1945 đã thành công, nhưng dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã buộc cả dân tộc một lần nữa phải bước vào cuộc kháng chiến thần thánh với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của Người. Cũng lại vẫn là Người - Hồ Chí Minh một lần nữa với sự mẫn cảm chính trị đã truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước niềm hy vọng, niềm tin thắng lợi trong những vần thơ chúc Tết năm 1946:
    Bao giờ kháng chiến thành công
    Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
    Tết này ta tạm xa nhau
    Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy
    Kháng chiến dù rất gian khổ, song mỗi người dân Việt Nam yêu nước và những người yêu chộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới vẫn nhận thấy: Đằng sau vẻ dịu dàng của Hồ Chí Minh là một ý chí sắt thép; dưới bề ngoài giản dị của một Người là một tinh thần quật khởi, anh hùng, không gì uy hiếp nổi, và hiển hiện trong một con người mảnh khảnh ấy là hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết và sự giải phóng hoàn toàn cho con người, vì con người. Điều đó thể hiện rõ trong lời hiệu triệu đầy chất hùng văn chiến thắng trong bài thơ chúc Tết năm 1947 của Người. Đây là Tết kháng chiến, Tết của lời kêu gọi:
    Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
    Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
     Đó chính là lời thúc giục lòng ta, khẳng định nội lực và nguồn sức mạnh đồng tâm, đồng chí, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước họa ngoại xâm. Và gian khổ, thử thách của chiến tranh dường như lùi lại phía sau, khi cuồn cuộn chảy trong trái tim một Hồ Chí Minh yêu nước và thương dân là nét giản dị của ngôn từ và sự cô đúc tư tưởng được biểu đạt thành phương châm, thành khẩu lệnh trong những lời thơ tiếp theo thật giục giã và đầy sức mạnh cổ vũ:
    Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
    Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
    Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
    Thống nhất độc lập, nhất định thành công!.
    Và mạch nguồn ấy, nguồn cảm hứng lãng mạn ấy, sự kết hợp giữa quyết tâm sắt đá và sự tiên tri của bậc thánh nhân Hồ Chí Minh hòa quyện với tâm hồn thơ của Nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh đã đưa cả dân tộc vượt mọi gian khó, từng bước giành thắng lợi trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, vững vàng bước vào mùa xuân Quý Tỵ năm 1953:
    Mừng phát động nông dân
    Mừng hậu phương phấn khởi
    Mừng tiền tuyến toàn quân
    Mừng thi đua chiến thắng mới
    Và tiếp đó, hướng đến xuân năm 1954 Bác viết:
     Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
    Hoà bình, dân chủ Nam Bắc Tây Đông
    Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều
    Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh dù được Người viết trong thời điểm lịch sử nào cũng đem đến cho ta ấn tượng của sức mạnh đoàn kết muôn người như một và sự dịu dàng “của trong và thật - sáng hai bờ suy tưởng. Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Từ những lời thơ chúc Tết ấy có thể thấy nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh và người nghệ sĩ đã hoà hợp với nhau trong một chất thép, xuyên suốt và nhất quán. Điểm đặc biệt trong toàn bộ 22 bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh, trải dài từ năm 1942 - 1969 chính là “ngôn ngữ trong thơ đạt đến sự chắt lọc của những phương châm lớn nhưng không bị mài mòn về câu chữ, ngôn từ, như những tín điều với nhiều sáo ngữ. Tuy vẫn là cách nói gần gũi tự nhiên của cuộc đời, gần với lời nói thông thường nhưng cô đúc như phương châm”. Bởi vậy, khi đế quốc Mỹ kiên quyết phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh đã dành những “lời thân ái” chúc “miền Bắc thi đua xây dựng, miền Nam giữ vững thành đồng” kiên định, bền gan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhân dịp đón xuân Bính Thân năm 1956.
    Mùa xuân năm 1960 - Xuân Canh Tý, mừng Đảng ta tròn 30 tuổi, mừng Nhà nước ta “15 xuân xanh”, giản dị và hàm súc, tấm lòng, sự cởi mở, chân tình đầy sảng khoái của tâm hồn thi sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thể hiện rõ qua lời thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Trong những năm sau đó, thơ chúc Tết, mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam Bắc vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, với một niềm tin tất thắng: Bắc Nam sum họp một nhà. Hồ Chí Minh không chỉ chúc: “Mừng năm mới, mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, mừng thế giới” (1961), mừng “cả năm châu phơi phới cờ hồng” (1962) hướng đến “hoà bình thống nhất thành công”, “chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi”, “hoà bình thống nhất quyết thành công”. Mùa xuân năm Quý Mão 1963 - Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, khi tin vui từ khắp chiến trường miền Nam và trên công trường xây dựng miền Bắc XHCN đang làm ấm lòng và cổ vũ quân dân hai miền Nam Bắc tiến lên phía trước với một tinh thần mới, cố gắng mới, bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào và chiến sĩ dù ngắn gọn có 4 câu, 17 chữ, nhưng súc tích bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa:
    Mừng năm mới 
    Cố gắng mới 
    Tiến bộ mới 
    Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi.
    Đồng lòng vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tinh thần ”cố gắng mới, tiến bộ mới” (Thơ chúc Tết năm 1963), “thi đua sôi nổi”, “đấu tranh anh dũng” (Thơ chúc Tết năm 1965), “đoàn kết một lòng” (Thơ chúc Tết năm 1966). Theo lời kêu gọi và cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hậu phương miền Bắc đã gồng mình, cố gắng vượt bậc hoàn thành nhiệm vụ củng cố, bảo vệ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Dù gian khó và phải hy sinh cả máu xương, quân dân miền Bắc đã sống, chiến đấu, lao động… và thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, nhằm đảm bảo chi viện tối đa nhân tài, vật lực cho quân, dân miền Nam đánh thắng kẻ thù. Xuân Đinh Mùi năm 1967, trong niềm vui chiến thắng của quân dân hai miền Nam Bắc, lời thơ chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh reo vui một bài ca chiến đấu và chiến thắng: 
    Xuân về xin có một bài ca
    Gửi chúc đồng bào cả nước ta
    Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
    Tin mừng thắng trận nở như hoa
    Mùa xuân 1968, từ thực tiễn hào hùng của những chiến công vang dội trên khắp các chiến trường miền Nam và của công trường xây dựng CNXH ở miền Bắc, chúc Tết xuân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đến quân, dân hai miền Nam Bắc tinh thần và sức mạnh của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, của tinh thần và ý chí tiến công kẻ thù. Vẫn rất ngắn gọn, dễ hiểu, vẫn là những dự cảm thiên tài về tính tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân:
    Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
    Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta
                    Thơ chúc Tết xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài ca chiến thắng hào hùng. Không chỉ thôi thúc, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, những vần thơ ấy còn là tấm lòng, tình cảm và sự khát khao tin chiến thắng ở quê nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó Người đang nghỉ chữa bệnh ở Trung Quốc).
    Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bài thơ chúc Tết, mừng Xuân cuối cùng:
     Năm qua thắng lợi vẻ vang
     Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
    Vì độc lập, vì tự do
    Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
    Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
    Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!.
    Có thể nói, bài Mừng xuân 1969 là một trong số những bài thơ hay nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về tinh thần tiến công và niềm vui chiến thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những vần thơ hào sảng ấy, thể hiện khát vọng, tinh thần, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin “Bắc Nam sum họp một nhà” của Người, của toàn dân tộc đã trở thành khẩu lệnh tiến công, giục giã quân, dân ta tiến đến thắng lợi cuối cùng… Sáu mùa xuân sau bài thơ Mừng xuân 1969 ấy, cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã mang lại niềm vui chiến thắng cho toàn dân tộc. Niềm tin yêu và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc hàm chứa trong 22 bài thơ chúc Tết, mừng Xuân của Người đã trở thành hiện thực.
    Đón Xuân Quý Tỵ 2013, chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết, mừng Xuân của Người, song những vần thơ chúc Tết năm xưa - những vần thơ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sâu đậm mãi trong trái tim, khối óc mỗi người dân đất Việt. Cùng với thời gian, những sáng tạo tinh thần đó, những lời “tuyên truyền” đạt đến tầm nghệ thuật và khoa học ấy của vị Cha già dân tộc vẫn nặng lòng “chan chứa yêu thương” và “dẫn đường” cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trong hành trình đi đến tương lai. Dùng thơ chúc Tết để biểu đạt lòng mình, nói như GS.Hoàng Như Mai thì trong những vần thơ ấy, lời chúc ấy của Người, “chúng ta thấy cả tấm lòng của lãnh tụ đối với dân, với nước”. 22 bài thơ ấy chính là “ quà tặng của Bác cho nhân dân mỗi khi xuân về, xuân sau hơn xuân trước và cứ như vậy mãi mãi về sau”, tuyên truyền, khích lệ, cổ vũ quân, dân đoàn kết, thi đua, tiến lên giành những thắng lợi mới.
    Nhà phê bình Hoài Thanh đã nói, ”non một phần tư thế kỷ, một thế kỷ già trẻ, gái trai chúng ta được nuôi dưỡng bằng thơ Bác, bằng ánh sáng và yêu thương” và không dừng ở đó, trong hành trình đi tới tương lai tươi sáng, mùa xuân này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị với tinh thần, ý chí và quyết tâm mới. Người đã đi xa, nhưng Người vẫn rất gần. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dường như được tiếp thêm sức mạnh từ chính những vần thơ chúc Tết của Người – những vần thơ phản ánh “tinh thần đồng tâm nhất trí giữa lãnh tụ và quần chúng cách mạng trên mỗi bước đi của thời gian, của lịch sử dân tộc”. Đồng hành cùng dân tộc và thời đại, tầm tư tưởng vĩ đại và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh hàm chứa trong những lời thơ chúc Tết, mừng Xuân của Hồ Chí Minh từ năm 1942-1969 luôn là sức mạnh nội lực, là ánh sáng của tương lai, chỉ đường cho dân tộc ta, non sông đất nước ta kiên định, vững bước trên hành trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
    Nguồn: tuyengiao.soctrang.gov.vn

    Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh


    VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    ---000---
    ........................................
    Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
    Đó là một điều chắc chắn.
    Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
    Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
    ***

    Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là: “Người thọ 70, xưa nay hiếm”.
    Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
    Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
    Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
    Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
    Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
    Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
    Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
    Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chu nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
    Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
    Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
    Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
    Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
    Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
    Còn non, còn nước, còn người
    Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
    Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
    Về phong trào Cộng sản thế giới – Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!
    Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
    Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
    * * *
    Về việc riêng – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
    Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
    * * *
    Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
    Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế.
    Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
    Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1969
    HỒ CHÍ MINH
    Nguồn:  tuoitre.vn

    Bác Hồ và Đảng ta với công tác thiếu niên nhi đồng

    Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thiếu niên nhi đồng. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất (10/1930) và lần thứ hai (3/1931), Đảng đã có những quyết định quan trọng về công tác thanh niên, về tổ chức Đồng Tử Quân, thiếu niên cách mạng và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách thiếu nhi.
    Từ đó, nơi nào có chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn thanh niên thì nơi đó tổ chức và phong trào đội thiếu nhi phát triển và hoạt động một cách tích cực. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 trên quê hương Bác Hồ kính yêu đã có nhiều đội Đồng Tử Quân tham gia đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết. Theo số liệu lưu trữ, trong chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh có 513 đội viên thiếu niên do các chi bộ Đoàn hoặc tự vệ hướng dẫn hoạt động. Không chỉ có vậy, khắp nơi trên đất nước ta, các Đội thiếu nhi Canh đế, Đội thiếu nhi Xích vệ cũng đã tham gia hoạt động cách mạng. Sôi nổi nhất là thiếu nhi vùng Tứ Trưng, Thượng Trủng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú; đội Đồng Tử Quân tỉnh Thái Bình (mang tên “Trẻ chăn trâu”), nhất là ở huyện Tiền Hải đã theo người lớn đi đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng; Đội thiếu niên Dục Tài gồm con em công nhân, công chức, nhà buôn là người Việt Nam ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã không quản ngại gian khổ, cùng với thiếu nhi cả nước nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, canh gác, bảo vệ các cuộc họp của Đảng, khi cần theo cha mẹ, anh chị đi đấu tranh...
    bac-ho-thieu-nhi-a
    Bác Hồ chung vui với các cháu trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/1969
    Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cùng với những công việc đại sự, Người còn chú ý ngay đến phong trào thiếu nhi, Bác vừa giáo dục các em theo tinh thần cách mạng, vừa coi các em là một lực lượng cách mạng. Ý Đảng - lòng Bác đã gặp nhau ở một điểm, đó chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941): ... tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc như “Nhi đồng cứu vong Đoàn” là đoàn thể cứu quốc của trẻ em và giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách. Trên quan điểm đó, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội TNTP, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên đầu tiên đó là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng.
    Tháng 02 năm 1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người đã có thư để định hướng công tác cần làm cho tuổi nhỏ. Công tác Trần Quốc Toản. Bác căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rắng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt...”. Đối với cán bộ phụ trách thiếu nhi, Người định hướng một cách cụ thể: “Với trẻ, dạy trẻ, cần làm cho các em biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Tuy nhiên phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên... không nên làm cho các em “già sớm”. Hơn thế, người phụ trách thiếu nhi cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của thiếu nhi. Người nói thật chí tình, chí lý: “Ngày nay chúng là thiếu nhi. Ít năm sau, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục thiếu nhi”. “Giáo dục thiếu nhi là một khoa học” nên người phụ trách phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc. Những định hướng đó của Người cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi, thế hệ thiếu nhi ngày ấy sẽ không sao quên được lời Bác dạy năm nào: “Các cháu phải ghét, ghét cay đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ. Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động. Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng học hành. Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau và đoàn kết với nhi đồng thế giới...”. Và hành trang vào đời, hành trang cùng chúng tôi vượt qua mọi gian nan thử thách để chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược chính là những lời căn dặn đó của Người.
    Cho đến bây giờ, chắc hẳn còn nhiều bạn thiếu nhi, nhiều anh chị phụ trách, nhiều thầy giáo, cô giáo, có thể còn chưa biết xuất xứ của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Riêng chúng tôi, không sao quên được lần kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội TNTP - ngày 15/5/1961. Ngày ấy chúng tôi được anh chị phụ trách đọc cho nghe thư của Bác gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Trong thư, Bác nhắc đến sự hy sinh của anh Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều bạn khác. Đặc biệt, Bác Hồ nhắc đến nỗi nhớ của Người với thiếu nhi miền Nam anh hùng đang bị Mỹ - Diệm áp bức đày đọa. Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Mười năm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ và Bác Tôn có gửi cho thiếu nhi miền Nam một bức thư với tình yêu thương và lòng tin tưởng: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
    Phát huy tinh thần và ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã và đang rất coi trọng công tác thiếu nhi. Bởi Đảng, Nhà nước ta và mọi người không bao giờ quên lời nhắc nhở của Người trước lúc đi xa: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân (...) Trước hết, các gia đình phải làm thật tốt công việc ấy. Các Đảng ủy đường phố... Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành các đoàn thể khác cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ”.
    Nguồn: bqllang.gov.vn